11. Em chuyển 2 lần phôi ngày 3 loại 1 mỗi lần 2 phôi và 2 lần phôi ngày 5 loại 1, đều không có beta thì khi làm lại ivf lần nữa có tiếp tục nuôi phôi lên ngày 5 không ạ ? Em AMH cũng thấp, có lạc nội mạc buồng trứng khá to, 2 lần chọc trứng trước cũng chỉ thu được 6-8 nang trứng.
Thông thường sau thất bại chuyển phôi liên tiếp, bác sĩ sẽ tư vấn anh chị thực hiện thêm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Sự làm tổ của phôi có thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sự tương tác giữa phôi và nội mạc tử cung, vấn đề di truyền của mẹ như gen đông máu, xét nghiệm di truyền của phôi, yếu tố miễn dịch hoặc các hội chứng khác như kháng anti-phospholipid...
Nếu như chị vẫn còn trứng và tạo được phôi nang loại tốt thì mình vẫn nên nuôi phôi ngày 5. Phôi ngày 5 đã trải qua quá trình chọn lọc sự phát triển nên có tiềm năng làm tổ cao hơn. Chỉ cần mình kiên trì và luôn hi vọng, bác sĩ sẽ đồng hành cùng chị để giải quyết từng vấn đề một.
12. Em bị tuyến giáp tirads 3, các xét nghiệm chức năng tuyến giáp hoàn toàn bình thường thì khi làm ivf có bị ảnh hưởng nhiều không ạ?
Tuyến giáp tirads 3 nghĩa là các tổn thương nhiều khả năng lành tính, trong đó vẫn còn khoảng 1,7% nguy cơ ác tính. Nếu kết quả nhân tuyến giáp lành tính, chức năng tuyến giáp bình thường nên chị không cần quá lo lắng có ảnh hưởng đến IVF. Tuy nhiên, cần dự phòng trước khi mang thai, chị nên tái khám để tầm soát tốt các vấn đề do bệnh tuyến giáp gây ra và trong thai kì nên theo dõi các chỉ số tuyến giáp để kịp thời điều trị.
13. Nếu phôi không sàng lọc mà cứ chuyển thì có nguy cơ gì?
Thông thường, nếu anh chị không có tiền sử gì đặc biệt, không có các bệnh lý đi kèm, bác sĩ khuyên anh chị nên chuyển phôi mà không cần thực hiện sàng lọc. Sau khi có thai, ở từng mốc khám chị sẽ thực hiện các xét nghiệm tầm soát tương ứng để theo dõi sự phát triển của em bé.
Trường hợp khác, nếu sau 2-3 lần chuyển phôi không có thai, bác sĩ có thể khuyên anh chị thực hiện sàng lọc phôi để tìm những phôi thực sự khỏe mạnh để chuyển.
14. Khi nào lên nuôi phôi ngày 3 lên hết ngày 5?
Khi có kết quả phôi ngày 3, tùy thuộc vào tổng số lượng phôi và số phôi chất lượng tốt, bác sĩ hoặc chuyên viên phôi sẽ tư vấn cho anh chị có nên nuôi phôi lên ngày 5 hay không? Nếu anh chị có ít phôi, có ít hoặc không có phôi tốt, anh chị có thể cân nhắc trữ đông một phần phôi ngày 3 hoặc trữ đông toàn bộ. Trữ phôi ngày 3 giúp anh chị chắc chắn có phôi để chuyển nhưng tỉ lê thành công của chuyển phôi ngày 3 cũng thấp hơn so với chuyển phôi ngày 5.
Trong TH anh chị muốn thực hiện sàng lọc di truyền cho phôi thì phải nuôi phôi lên ngày 5. Ở giai đoạn này, phôi có nhiều tế bào nên việc sinh thiết lấy đi 3-5 tế bào sẽ không làm ảnh hưởng đến sức sống và sự phát triển của phôi.
15. Thời điểm đi khám trước khi làm ivf khi nào là tốt nhất, có phải là ngày 2 của chu kì kinh không?
Để tránh phải đi lại nhiều lần, tại HP Fertility thời điểm khám thuận lợi nhất để làm IVF là khi chị sạch kinh từ 2-5 ngày, đồng thời anh kiêng xuất tinh thì 2-5 ngày. Hầu hết các xét nghiệm để đánh giá sức khỏe sinh sản tổng quát đều có thể thực hiện tại lần khám này và khi có kết quả bác sĩ có thể tư vấn một cách chi tiết, đầy đủ nhất cho cả hai vợ chồng. Sau đó, vào ngày 2 của chu kì kinh tiếp theo chị có thể tới trung tâm để siêu âm và tiêm thuốc kích thích buồng trứng.