IUI có thể coi là lựa chọn đầu tiên trong liệu trình điều trị hiếm muộn với ưu điểm: đơn giản, ít xâm lấn, chi phí thấp, dễ áp dụng.
Theo thống kê y khoa, tỉ lệ thành công IUI trung bình từ 20-30% và có thể cao hơn ở những cặp vợ chồng có thời gian mong con dưới 5 năm, vợ dưới 35 tuổi và có ít nhất một bên vòi trứng thông tốt và tinh trùng của chồng đủ tốt.
Quy trình chung của IUI có các bước thực hiện sau:
Khám và tư vấn:
Thời điểm khám thích hợp cho cặp vợ chồng là vợ sạch kinh từ 2-7 ngày, kiêng quan hẹ từ ngày sạch kinh. Vợ sẽ khám phụ khoa, xét nghiệm máu, nội tiết và siêu âm tử cung buồng trứng, chụp HSG. Chồng kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày để kiểm tra tinh dịch đồ và lấy máu xét nghiệm nội tiết.
Chuẩn bị hồ sơ
Sau khi có chỉ định IUI, vợ chồng quay lại vào đầu chu kì kinh, mang theo Giấy ĐKKH và CCCD của hai vợ chồng để đăng ký.
Kích thích buồng trứng
Kích trứng có thể sử dụng thuốc nội tiết đường uống hoặc đường tiêm trong khoảng 10-12 ngày và siêu âm kiểm tra nang trứng 3-4 lần. Khi kích thước nang trứng đạt từ 18-19mm sẽ tiến hành tiêm mũi hCG để rụng trứng. Chi phí cho thuốc kích trứng đường tiêm là khoảng 4-5 triệu VNĐ, đường uống là khoảng 1 triệu VNĐ.
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung
Tinh trùng của chồng được thu nhận và lọc rửa để loại bỏ tạp chất, tinh trùng chết, di động kém. Tiến hành bơm tinh trùng vào buồng tử cung sau 36-38 giờ trigger. Sau khi bơm, vợ sẽ dùng thuốc nội tiết để hỗ trợ quá trình thụ thai và quay lại để thử thai sau 02 tuần.
IVF nói chung là kĩ thuật thu nhận noãn và tinh trùng và thụ tinh bên ngoài cơ thể người. Trứng và tinh trùng sẽ được thu nhận và thực hiện thụ tinh trong môi trường nhân tạo với những điều kiện vô cùng khắt khe. Phôi sẽ được nuôi cấy đến ngày 3 hoặc ngày 5 và chuyển trở lại vào tử cung của người phụ nữ để làm tổ và phát triển.
Chỉ định:
- IUI nhiều lần thất bại
- Tinh trùng chồng yếu, ít, dị dạng ở mức độ nặng hoặc xét nghiệm không có tinh trùng.
- Phụ nữ có bệnh lý vòi trứng
- Lạc nội mạc tử cung
- Phụ nữ lớn tuổi có dự trữ buồng trứng thấp
- Người có tiền sử bệnh di truyền, tiền sử thai lưu liên tiếp và thất bại làm tổ nhiều lần, cần sàng lọc phôi trước khi chuyển.
- Phụ nữ độc thân muốn sinh con với tinh trùng hiến tặng bằng phương pháp khoa học hoặc những cặp vợ chồng đồng giới.
Quy trình chung của IVF có các bước thực hiện sau:
- Khám và tư vấn:
Thời điểm khám thích hợp cho cặp vợ chồng là vợ sạch kinh từ 2-7 ngày, kiêng quan hẹ từ ngày sạch kinh. Vợ sẽ khám phụ khoa, xét nghiệm máu, nội tiết và siêu âm tử cung buồng trứng, chụp HSG. Chồng kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày để kiểm tra tinh dịch đồ và lấy máu xét nghiệm nội tiết.
- Chuẩn bị hồ sơ
Sau khi có chỉ định IUI, vợ chồng quay lại vào đầu chu kì kinh, mang theo Giấy ĐKKH và CCCD của hai vợ chồng để đăng ký.
- Kích thích buồng trứng
Chị sẽ tiêm thuốc kích thích buồng trứng trong khoảng 10-12 ngày và tái khám để siêu âm kiểm tra nang trứng đồng thời xét nghiệm nội tiết từ 3-4 lần.
- Chọc hút trứng và nuôi cấy phôi
Khi kích thước nang trứng ≥ 14mm, tiến hành tiêm mũi hCG để trưởng thành trứng. Sau 36-38 giờ tiêm mũi thuốc này, anh chị sẽ lên trung tâm để thực hiện thủ thuật chọc hút trứng, song song với đó tinh trùng của chồng sẽ được thu nhận và lọc rửa. Tiến hành tiêm tinh trùng vào bào tương trứng và nuôi cấy phôi trong phòng thí nghiệm từ 3 đến 5 ngày.
- Trữ đông phôi và chuyển phôi
Phôi khi nuôi cấy đến ngày 3 hoặc ngày 5 sẽ được trữ đông lại. Hiện nay hầu hết các trung tâm đều thực hiện chuyển phôi trữ đông do sau quá trình sử dụng nội tiết để kích thích buồng trứng, niêm mạc của chị thường không đủ điều kiện để chuyển phôi tươi do đó có tỉ lệ thành công thấp. Thông thường, sau chọc hút trứng, chị sẽ nghỉ ngơi đến ngày 2 của chu kì kinh tiếp theo sẽ quay lại trung tâm để chuẩn bị niêm mạc cho chuyển phôi.
Kỹ thuật IVF cổ điển được thực hiện thành công đầu tiên năm 1978 tại Anh. Sự kiện này được công nhận là một cột mốc vĩ đại trong điều trị hiếm muộn – vô sinh. Kỹ thuật IVF cổ điển được chỉ định cho các trường hợp vô sinh có nguyên nhân từ người phụ nữ. Đây là một kỹ thuật có tỷ lệ thành công khá cao và an toàn cho cộng đồng.
Kỹ thuật IVF (In – Vitro Fertilization) cổ điển là quá trình kết hợp giữa trứng với tinh trùng để tạo ra phôi, được thực hiện bên ngoài cơ thể mẹ, tại phòng thí nghiệm trong các điều kiện môi trường, nhiệt độ, yếu tố sinh dưỡng… cùng các chỉ tiêu sinh học khác được đảm bảo giống như trong cơ thể người mẹ.
Kỹ thuật IVF cổ điển được chỉ định để điều trị hiếm muộn do nguyên nhân: tắc vòi trứng, bất thường tinh trùng nhẹ, lạc nội mạc tử cung, những trường hợp vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Tỷ lệ có thai trung bình sau chuyển phôi khoảng 35 – 40%. Với kỹ thuật IVF cổ điển, cần ít nhất vài trăm nghìn tinh trùng chất lượng tốt để cấy với một trứng. Vì vậy, kỹ thuật IVF cổ điển không thể áp dụng cho các trường hợp vô sinh do tinh trùng có số lượng và chất lượng kém. Đây cũng chính là hạn chế lớn nhất của kỹ thuật IVF cổ điển. Quy trình thực hiện kỹ thuật IVF cổ điển bao gồm các bước:
– Kích thích buồng trứng để có nhiều trứng phát triển.
– Chọc hút trứng qua hướng dẫn của siêu âm đầu dò qua ngã âm đạo.
– Sau khi được chọc hút, trứng sẽ được đánh giá trong phòng thí nghiệm.
– Trứng có chất lượng tốt và trưởng thành sẽ được đặt với những tinh trùng di động tốt sau lọc rửa và để vào tủ cấy.
– Thụ tinh xảy ra khi có hiện tượng tinh trùng xâm nhập vào trứng, khoảng sau 1 – 2 giờ sau khi cấy tinh trùng với trứng.
– Phôi sẽ được nuôi cấy khoảng 2 đến 3 ngày trước khi được chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ hoặc được trữ đông lại để chuyển phôi vào các chu kỳ sau.
Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện từ hơn 30 năm qua nhằm đánh giá sức khỏe của trẻ ra đời từ kỹ thuật IVF cổ điển, hầu hết đều cho thấy đây là một kỹ thuật có nguy cơ thấp và tương đối an toàn cho cộng đồng, không làm tăng tỉ lệ dị tật bẩm sinh. Các nghiên cứu về tính an toàn về lâu dài của kỹ thuật IVF cổ điển trên tỷ lệ dị tật và sự phát triển của trẻ vẫn đang được tiếp tục theo dõi và ghi nhận tại nhiều trung tâm trên thế giới.
Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng là gì?
Tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng (Intracytoplasmic sperm injection - viết tắt là ICSI) được thực hiện tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản bằng cách tiêm một tinh trùng khỏe mạnh vào trực tiếp vào trứng để tạo phôi.
Quy trình thực hiện
Bước 1: Thu nhận trứng
Kỹ thuật ICSI được thực hiện tương tự như IVF, bắt đầu bằng việc chị sẽ sử dụng thuốc kích thích buồng trứng nhằm làm tăng số lượng trứng và tiến hành chọc hút trứng qua đường âm đạo.
Bước 2: Chuẩn bị tinh trùng
Tinh trùng của anh được thu nhận để lọc rửa nhằm chọn lựa được những tinh trùng di động tốt. Trong trường hợp khó lấy mẫu hoặc không thể có mặt vào ngày chọc hút trứng, tinh trùng có thể được đông lạnh trước. Trong trường hợp ghi nhận chồng không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, bác sĩ có thể tiến hành chọc hút tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn hoặc ống dẫn tinh.
Bước 3: Tiêm tinh trùng vào trứng
Tại phòng lab TTTON, bằng cách sử dụng hệ thống vi tiêm hiện đại, chuyên viên phôi sẽ lựa chọn 01 tinh trùng với hình thái và di dộng tốt và tiêm trực tiếp vào 01 trứng bằng kim thủy tinh siêu nhỏ (hay còn gọi là kim ICSI)
Bước 5: Nuôi cấy phôi
Sau khi tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, trứng sẽ được tiếp tục nuôi cấy trong lab thụ tinh ống nghiệm, đánh giá - phân loại phôi và thông báo cho kết quả cho anh chị vào các thời điểm sau: sau khi thụ tinh 01 ngày; ngày thứ 3 nuôi cấy phôi (phôi ngày 3) và ngày thứ 5 nuôi cấy phôi ( phôi ngày 5).
IVF xin trứng được thực hiện tương tự như quy trình IVF thông thường, nhưng thay vào đó phôi sẽ được tạo từ tinh trùng của người chồng và trứng của người hiến tặng sau đó chuyển phôi vào tử cung của người vợ để mang thai và sinh con.
Người hiến tặng trứng sẽ tiêm thuốc kích trứng, siêu âm và xét nghiệm nội tiết theo dõi sự phát triển của nang trứng. Sau đó, trứng được thu nhận sẽ được thụ tinh với tinh trùng của người chồng trong phòng thí nghiệm để tạo phôi. Song song với đó, người vợ sẽ dùng thuốc làm dày niêm mạc tử cung để chuẩn bị chuyển phôi.
IVF xin trứng là cách làm tăng cơ hội có thai cho phụ nữ bị suy buồng trứng, giảm dự trữ buồng trứng mức độ nặng, đã phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc có bất thường về chất lượng trứng và di truyền. Ưu điểm của phương pháp này là tăng cơ hội có phôi tốt, cơ hội có thai và giảm chi phí điều trị cho cặp vợ chồng mong con.
IVF XIN TRỨNG VÀ IVF THÔNG THƯỜNG KHÁC NHAU THẾ NÀO?
So với IVF thông thường, IVF xin trứng cần có sự tham gia của ba người: người vợ, người chồng và người cho trứng, trong đó cần đảm bảo người cho trứng không có quan hệ huyết thống với người chồng. Cần có sự đồng thuận rõ ràng giữa vợ chồng người nhận, người cho trứng và nhân viên y tế về: quy trình thực hiện IVF, những vấn đề về tâm lý của hai bên, những tình huống có thể xảy ra trong điều trị, thông tin về sức khỏe hay di truyền của em bé sau này.
Tiêu chuẩn người hiến trứng
Từ 18-35 tuổi, không trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ
Không có quan hệ huyết thống với người chồng
Sức khỏe tốt, không mắc các bệnh truyền nhiễm, không có các bệnh lý di truyền và các bất thường về tâm thần.
Cam kết chưa từng cho – hiến tặng trứng
IVF xin trứng đã được thực hiện từ những giai đoạn đầu phát triển của IVF và đã có rất nhiều em bé khỏe mạnh ra đời. Sự an toàn và hiệu quả của phương pháp này đã được chứng minh tại Việt Nam và trên thế giới.
Cặp vợ chồng hiếm muộn do chồng không có tinh trùng hoặc phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân có thể xin tinh trùng từ ngân hàng làm thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai và sinh con. Cho nhận tinh trùng được thực hiện tuân thủ theo “Nguyên tắc vô danh” tức là đảm bảo giữa người cho và người nhận không được biết thông tin về nhau. Việc cho-nhận tinh trùng được thực hiện ngẫu nhiên.
Thủ tục nhận tinh trùng từ ngân hàng?
Bước 1: Để được nhận mẫu tinh trùng từ Ngân hàng tinh trùng, người xin tinh trùng phải vận động một nam giới khác đủ điều kiện đến hiến tặng tinh trùng thành công tại HP Fertility. Mẫu tinh trùng này sẽ được trữ và sử dụng cho một cặp vợ chồng vô sinh khác hoặc phụ nữ đơn thân khác.
Bước 2: Người xin tinh trùng sau đó được Ngân hàng tinh trùng cấp cho 01 mẫu tinh trùng để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF.
Bước 3: Nếu người nhận tinh trùng không mang thai hoặc không sinh con thành công, các mẫu tinh trùng đông lạnh còn lại sẽ tiếp tục được sử dụng cho tới đến khi hết. Khi người nhận tinh trùng sinh con sống được 01 năm, các mẫu tinh trùng còn lại sẽ phải hủy bỏ hoặc dùng cho nghiên cứu y học.
Người xin tinh trùng sẽ được biết những thông tin gì về mẫu tinh trùng được nhận từ ngân hàng?
HP Fertility sẽ cung cấp 06 thông tin: chủng tộc, đặc điểm tóc (màu tóc, dạng tóc thằng-xoăn), đặc điểm mắt (số mí mắt và màu mống mắt), nhóm máu (GS, RH), chiều cao và trình độ văn hóa.
Tỉ lệ thành công của chu kì IVF - xin tinh trùng
Thông thường với các trường hợp xin tinh trùng từ ngân hàng đều thực hiện IVF (ICSI hoặc cIVF) do tỉ lệ thành công cao. IUI không được khuyến khích vì lượng mẫu trữ không đủ cũng như tỉ lệ thành công thường thấp.
Tỉ lệ thành công của chu kì IVF - xin tinh trùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố tuổi mẹ, các điều trị trước đó…có ảnh hưởng nhiều nhất. Theo thống kê trên thế giới, tỉ lệ có thai từ mẫu tinh trùng ngân hàng không có sự khác biệt với các chu kì IVF thông thường.
Rủi ro về việc kết hôn cận huyết sau này?
Luật pháp Việt Nam quy định một mẫu tinh trùng trong ngân hàng chỉ dùng điều trị cho 01 phụ nữ đến khi hết mẫu hoặc đến khi họ có thai và sinh con. Sau khi người nhận tinh trùng sinh con, số tinh trùng còn lại của người cho sẽ phải được bệnh viện tiêu hủy hoàn toàn. Hơn nữa, người cho tinh trùng chỉ được phép cho tinh trùng một lần duy nhất. Do đó khả năng xảy ra kết hôn cận huyết giữa những người con sinh học của người cho tinh trùng là rất thấp và điều này đã được các cơ quan y tế tính toán và cho phép thực hiện.
Các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm xin phôi bao gồm:
- Cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng.
- Cặp vợ chồng có các bất thường di truyền ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé sinh ra.
- Cặp vợ chồng làm TTTON nhiều lần nhưng không có phôi chuyển
- Phụ nữ độc thân mà không có noãn hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để tạo phôi
Ngân hàng phôi tại Trung tâm HTSS – Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng được thành lập từ những cặp vợ chồng thực hiện TTTON đã có con và không có nhu cầu sử dụng các phôi còn lại, mong muốn hiến tặng cho các cặp vợ chồng khác. Do đó trong trường hợp này, người xin phôi sẽ được xếp vào danh sách chờ, khi có phôi được hiến tặng trung tâm sẽ thông báo và sắp xếp lịch chuyển phôi.
Thông tin về người hiến phôi sẽ được bảo mật, đảm bảo “Nguyên tắc vô danh” với người nhận. Phôi của một người hiến chỉ được sử dụng cho một người nhận một lần và toàn bộ mẫu phôi còn lại sẽ được hủy sau 01 năm kể từ khi người nhận phôi sinh con khỏe mạnh.
Thoát màng là một quá trình sinh lý đặc trưng bởi sự mỏng dần màng zona của phôi (Zona pellucida- ZP), phôi thoát ra ngoài qua một lỗ thủng nhỏ trên màng trước khi bám vào nội mạc tử cung.
Khi nuôi cấy phôi thụ tinh trong ống nghiệm, hiện tượng phôi thoát màng cũng được quan sát thấy, tuy nhiên tỉ lệ thoát màng bình thường của phôi giảm so với tự nhiên. Nguyên nhân có thể do tác động của điều kiện nuôi cấy, tuổi của bệnh nhân, quá trình trữ- rã phôi... làm màng zona của phôi cứng và phôi khó thoát màng hơn. Vì vậy kĩ thuật hỗ trợ thoát màng (AH) được thực hiện nhằm mở màng hoặc làm mỏng màng zona để quá trình thoát màng diễn ra dễ dàng hơn.
Hiện nay có nhiều phương pháp được sử dụng để hỗ trợ thoát màng nhưng laser là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất vì những ưu điểm mà nó mang lại như đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng, ít tác động đến phôi.
Theo thống kê, AH giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ trẻ sinh sống khi điều trị IVF.
Kỹ thuật này thường được thực hiện cho những trường hợp sau:
- Bệnh nhân thất bại nhiều lần mặc dù chất lượng phôi tốt
- Bệnh nhân chuyển phôi trữ lạnh
- Bệnh nhân ít phôi, lớn tuổi
- Bệnh nhân có phôi có màng trong suốt dày bất thường
Vô sinh không có tinh trùng là bệnh lý vô sinh do nguyên nhân người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch. Nghĩa là tinh dịch xuất ra chỉ có thành phần tinh tương (phần nước) chứ không có tinh trùng.
Các kỹ thuật thu nhận tinh trùng:
PESA (Percutanous Epididymal Sperm Aspiration – chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da)
Bệnh nhân được,gây tê tại chỗ ở bìu. Bác sĩ dùng kim nhỏ đâm kim xuyên qua da bìu vào mào tinh để hút dịch ở mào tinh và tìm tinh trùng.
MESA (Microsurgical Epididymal Sperm Aspiration – chọc hút tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu)
Bệnh nhân được gây tê tại chỗ ở bìu hoặc có thể kết hợp tiền mê. Bác sĩ tiến hành rạch da bìu để bọc lộ rõ tinh hoàn và mào tinh, dùng kim nhỏ tiêm vào mào tinh và hút dịch mào tinh để tìm tinh trùng.
TESE (Testicular Sperm Extraction – trích tinh trùng từ mô tinh hoàn)
Bệnh nhân được tiền mê kết hợp với gây tê tại chỗ ở bìu. Bác sĩ tiến hành rạch da bìu để bộc lộ tinh hoàn và lấy một mẫu mô nhỏ từ tinh hoàn và tìm tinh trùng từ mẫu mô đó.
MicroTESE (Micro Testicular Sperm Extraction – vi sinh thiết tinh hoàn)
Bệnh nhân được gây tê tủy sống để thực hiện thủ thuật. Bác sĩ rạch da bìu bộc lộ tinh hoàn, dùng kính vi phẫu và dụng cụ vi phẫu lấy các ống sinh tinh có tiềm năng tìm thấy tinh trùng. Ống sinh tinh sẽ được đưa vào lab và soi dưới kính hiển vi với độ phóng đại cao hơn để tìm tinh trùng.
Khoảng 60 – 70 % trường hợp vô sinh do hai tinh hoàn teo, không sinh tinh sẽ được tìm thấy tinh trùng bằng kỹ thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn. Đặc biệt, khả năng tìm thấy tinh trùng ở bệnh nhân bị biến chứng do quai bị là 100%.
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (Pre-implantation genetic testing – PGT) là kỹ thuật được sử dụng để xác định các bất thường về di truyền ở mức độ nhiễm sắc thể thông qua sàng lọc phôi. Từ đó giúp chọn được phôi có bộ nhiễm sắc thể bình thường trước khi tiến hành chuyển phôi vào buồng tử cung, giúp tăng tỷ lệ thành công khi chuyển phôi.
Những trường hợp nào cần thực hiện?
Phụ nữ lớn tuổi (>35 tuổi)
Sảy thai liên tiếp (≥2 lần)
IVF thất bại nhiều lần (≥ 3 lần)
Tiền sử sinh con có dị tật bẩm sinh
Gia đình có bệnh lý di truyền, mang gen bệnh: Thalassemia, Teo cơ tuỷ, Bệnh máu khó đông Hemophilia, loạn dưỡng cơ Duchenne/Becker,…
Vô sinh do bất thường tinh trùng nặng
Vợ, chồng có bất thường bộ nhiễm sắc thể
Quy trình thực hiện:
Thực hiện IVF tạo phôi, nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang (Ngày 5 hoặc ngày 6)
Sinh thiết phôi lấy tế bào để xét nghiệm di truyền và đông lạnh phôi
Sau khi có kết quả, bác sĩ tư vấn giải thích về kết quả di truyền, khả năng sử dụng và tiềm năng phát triển của phôi.
Chuẩn bị niêm mạc và chuyển phôi trữ đông
Kỹ thuật trữ đông nói chung khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp bảo quản phôi, trứng, tinh trùng trong điều kiện lạnh sâu bằng ni tơ lỏng (-196oC) trong thời gian dài để sử dụng về sau.
Đông lạnh phôi
Đông lạnh phôi được tiến hành trong trường hợp chu kỳ điều trị không thể, không nên chuyển phôi tươi hoặc sau khi chuyển vẫn còn phôi dư và các phôi này đủ điều kiện đông lạnh. Thay vì loại bỏ ta có thể chọn trữ đông lại số phôi đó để sử dụng cho các lần kế tiếp. Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay là chuyển đơn phôi kết hợp sàng lọc di truyền tiền làm tổ, vì vậy việc đông lạnh phôi và chuyển phôi trữ đông là điều tất yếu.
Đông lạnh phôi và chuyển phôi trữ đông giúp người phụ nữ có thời gian phục hồi sau quá trình sử dụng thuốc kích thích buồng trứng và chọc hút trứng, giúp chuẩn bị niêm mạc tử cung tối ưu nhất từ đó tăng đáng kể tỉ lệ chuyển phôi thành công.
Đông lạnh trứng
Hiện nay, đông lạnh trứng được thực hiện các chỉ định sau:
Trữ trứng chủ động:
- Gom trứng: cho trường hợp bệnh nhân giảm dự trữ buồng trứng
- Bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư
- Hiến nhận noãn vì mục đích nhân đạo
- Trữ trứng xã hội: xu hướng chung hiện nay, rất nhiều phụ nữ muốn trì hoãn thời gian mang thai hoặc lập gia đình muộn nhưng muốn chủ động bảo quản trứng ở thời điểm tuổi còn trẻ (trước 35) khi số lượng và chất lượng trứng còn tốt.
Trữ trứng bị động:Trường hợp chồng không lấy được mẫu tinh trùng vào ngày chọc hút trứng (không thể xuất tinh hoặc không lấy được tinh trùng bằng phẫu thuật)
Đông lạnh tinh trùng
Đông lạnh tinh trùng thường được chỉ đỉnh cho các trường hợp:
- Bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân điều trị ung thư
- Hiến nhận tinh trùng vì mục đích nhân đạo
- Thiểu tinh mức độ nặng: trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định cho BN đông lạnh tinh trùng nhiều lần để đảm bảo có đủ tinh trùng vào ngày chọc hút trứng.
- Tinh trùng thu nhận từ thủ thuật: Sau khi tinh trùng được thu nhận từ thủ thuật như chọc hút mào tinh, tinh hoàn…sẽ được trữ đông lại để chủ động cho việc tạo phôi.
- Bệnh nhân khó lấy mẫu hoặc vắng mặt vào ngày chọc hút trứng
Sau khi tiến hành chọc hút trứng và tạo phôi, phôi sẽ được nuôi cấy trong phòng Lab tới ngày 3 hoặc ngày 5 tương ứng với giai đoạn phôi phân chia hoặc phôi nang. Sau đó sẽ được chuyển trở lại vào tử cung của mẹ để làm tổ và phát triển thành em bé.
Có 02 phương pháp chuyển phôi là chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh.
Chuyển phôi tươi có nghĩa là sau khi phôi được tạo thành trong phòng thí nghiệm sẽ được chuyển trở lại ngay vào tử cung của mẹ
Chuyển phôi đông lạnh là sau khi nuôi cấy tạo thành phôi, phôi sẽ được đem đi đông lạnh để bảo quản, một thời gian sau mới được rã đông để chuyển vào tử cung của mẹ.
Hiện nay, các trung tâm HTSS thường khuyến khích chuyển phôi đông lạnh hơn vì những ưu điểm sau:
- Sau bước kích trứng, nội tiết bên trong cơ thể tăng cao hơn so với bình thường, không phải là điều kiện lý tưởng làm tổ của phôi. Do đó, đông lạnh phôi sẽ là giúp người phụ nữ có thời gian hồi phục sau chọc hút trứng và có thể chuẩn bị niêm mạc một cách tối ưu nhất để tiếp nhận phôi. Đông lạnh phôi giúp cặp vợ chồng chủ động sắp xếp thời điểm thích hợp khi đã chuẩn bị sẵn sàng về thể chất lẫn tinh thần.
- Đông lạnh phôi sẽ giúp tiết kiệm chi phí điều trị, hạn chế tối đa số lần tiến hành kích thích buồng trứng.
- Bên cạnh đó, kết hợp với kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ, phôi được đông lạnh lại để bảo quản trong thời gian chờ đợi kết quả.
Trung tâm Hỗ Trợ Sinh Sản (HP Fertility)