1.Trước chuyển phôi
- Bắt đầu từ ngày 2, 3 kỳ kinh các chị sẽ được dùng thuốc làm dầy niêm mạc và siêu âm định kỳ theo dõi sự phát triển của niêm mạc tử cung. Tổng thời gian chuẩn bị niêm mạc tử cung trước khi chuyển phôi là 15-20 ngày.
- Niêm mạc tử cung phải có độ dày 8 - 12 mm và đạt tiêu chuẩn hình dạng phù hợp thì mới đủ điều kiện chuyển phôi. Tuy nhiên bác sĩ điều trị sẽ đưa ra quyết định dựa trên từng bệnh nhân cụ thể.
- Các chị cần lưu ý đến những vấn đề sau:
- Trong khoảng thời gian trước chuyển phôi, ngoài việc uống thuốc, đặt thuốc theo đơn đúng giờ, đúng liều, đúng cách dùng thì các chị nên chủ động nâng cao sức khỏe thể chất và chuẩn bị tâm lý thật tốt.
- Dinh dưỡng cần được đảm bảo cân đối, không ăn ăn những món có thể gây táo bón, đau bụng, tiêu chảy hay dị ứng. Tránh đồ ăn cay nóng, cà phê, thuốc lá, bia rượu. Có thể dùng thêm viên sắt và thuốc bổ cho phụ nữ chuẩn bị có thai theo đơn của bác sĩ.
- Vận động: nên dành 30 – 60 phút/ngày tập yoga hoặc đi bộ, nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, đi chơi đâu đó để có tâm lý vui vẻ và thoải mái nhất.
- Trước khi chuyển phôi 24 tiếng, không nên quan hệ tình dục.
- Buổi sáng ngày dự định chuyển phôi, các chị được siêu âm niêm mạc tử cung một lần nữa để quyết định rã đông phôi. Nếu nhận thấy niêm mạc tử cung không thuận lợi, có thể bác sĩ sẽ đề nghị dừng chuyển phôi và chờ sang tháng sau làm lại.
2. Trong ngày chuyển phôi
- Nên ăn sáng đầy đủ, đi vệ sinh cá nhân để thấy thoải mái nhất.
- Vẫn dùng thuốc nội tiết buổi sáng theo đơn bác sĩ đã kê.
- Mang theo Thẻ đông phôi, CCCD và ĐKKH bản gốc của 2 vợ chồng.
- Hai vợ chồng chủ động có mặt tại bệnh viện khoảng 07h15 tại Quầy lễ tân để được hướng dẫn cụ thể.
- Sau khi làm thủ tục rã đông phôi xong, các chị uống từ từ khoảng 500 ml nước và nhịn tiểu để làm căng bàng quang. Các chị chú ý là đừng uống quá nhiều đến mức buồn tiểu quá nhé, uống đủ thấy căng bụng để chuyển phôi thôi.
- Sau khi chuyển phôi xong thì các chị nên nằm lại khoảng 30 phút rồi đi tiểu. Ăn nhẹ một chút trước khi ra về. Các chị hoàn toàn có thể đi lại sau chuyển phôi chứ không cần nằm bất động một chỗ đâu nhé. Khi về nên đi bằng xe ô tô, taxi về nhà, chỉ cần tránh đường quá xóc thôi chứ cũng không có gì phải căng thẳng vì lúc này phôi đang nằm trong tử cung, không thể trôi ra ngoài được.
**Sau chuyển phôi
- Những ngày sau khi chuyển phôi, nhiều chị sẽ hay buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần. Việc đó là bình thường, có thể do tâm lý các chị quá bồn chồn thôi. Hãy thoải mái và nhớ giữ sạch vùng kín khi đặt thuốc, không thụt rửa âm đạo hay ngâm với các loại thảo dược nào nhé.
- Sau khi chuyển phôi nằm ngủ nghiêng bên nào không quan trọng. Cứ nằm thế nào quen, dễ ngủ là được.
- Dinh dưỡng: Trong thời gian chuyển phôi không nên để bị táo bón hay tiêu chảy, dị ứng, các chị chưa cần ăn quá nhiều bởi lúc này phôi cũng chưa bám để tạo thành thai nên chưa cần ăn gì cho 2 người theo quan niệm của các chị bầu và cũng đừng quá băn khăn “ăn gì sau chuyển phôi” vì ăn gì cũng được miễn sao đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh.
- Vận động. Sự làm tổ của phôi phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng phôi và nội mạc tử cung tại điểm tiếp xúc với phôi, ít phụ thuộc vào các yếu tố tác động bên ngoài. Vì thế các chị cứ đi lại bình thường, hạn chế mang vác vật nặng, không cần rón rén quá, không cần nằm một chỗ khiến máu khó lưu thông, nằm nhiều cũng khiến chị mỏi mệt, hay suy nghĩ vẩn vơ ảnh hưởng đến tâm lý.
- Nhớ dùng thuốc theo đơn, đúng liều, đúng giờ, không được quên thuốc nhé. Dùng đúng thuốc, đủ thuốc theo đơn. Không phải nhiều thuốc là tốt, không cần so sánh thuốc chị A, chị B khác của mình vì các bác sĩ đã cân nhắc kê cho từng người phù hợp rồi.
Sau chuyển phôi 10 -12 ngày
- Đây là thời điểm mà hầu hết các chị đều dùng que để thử thai vì có thể sẽ biết kết quả. Tuy nhiên kết quả đó có thể là không chính xác nên kinh nghiệm là không nên thử que kẻo ảnh hưởng tâm lý, mất tinh thần. Tốt nhất đừng quá để ý vấn đề này, hãy để tâm lý ở trạng thái không lo nghĩ các chị ạ.
- Vào ngày 10 sau chuyển phôi 5 ngày tuổi hoặc ngày thứ 12 sau chuyển phôi 3 ngày tuổi, các chị sẽ được hẹn đến bệnh viện để lấy máu thử beta HCG.
- Nồng độ beta HCG sau 2 tuần chuyển phôi nếu ở mức > 25 IU/l được xác định là có thai. Nếu nồng độ beta HCG sau mỗi 2 ngày đều tăng gấp đôi thì có vẻ là thai đang phát triển ổn định.
- Nếu thấy ra máu và có triệu chứng giống như hành kinh trước ngày hẹn thử thai, hãy thông báo cho bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Lưu ý thêm với chuyển phôi tươi
Nếu các chị chuyển phôi tươi, có một trong các triệu chứng sau cần thông báo cho nhân viên y tế vì có thể bị Quá kích buồng trứng:
+ Đau bụng, bụng chướng căng dần
+ Phù chân, phù mí mắt
+ Khó thở
+ Buồn nôn, nôn
+ Tiêu chảy, tiểu ít.
Tình trạng quá kích buồng trứng thường sẽ nặng hơn nếu đậu thai.